Em Ba Sàm

132. TƯƠNG LAI CỦA LỤC ĐỊA Á-ÂU Ở BIỂN ĐÔNG

Posted by embasam1 trên Tháng Sáu 24, 2011

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

TƯƠNG LAI CỦA LỤC ĐỊA Á-ÂU Ở BIỂN ĐÔNG

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ Hai, ngày 20/06/2011

TTXVN (Angiê 12/6)

Mạng tin “Địa chính trị” mới đây đăng bài nghiên cứu về biển Đông của tác giả Jure Vujic, luật sư, nhà địa chính trị, nhà văn mang hai quốc tịch Pháp và Croátia như sau:

Trong những thập kỷ tới, nước nào có sức mạnh sẽ giành được bá quyền tại khu vực này, đồng thời sẽ tạo được ảnh hưởng lên các dân tộc và hai khu vực kinh tế giàu nhất và sinh lời nhất thế giới là Tây Âu và Đông Nam Á.

Một mặt, sự quan tâm đầu tiên là khoảng cách địa lý gần gũi của lục địa Á-Âu. Sức mạnh của châu lục Á-Âu cũng sẽ ảnh hưởng tới châu Phi và Trung Đông. Trung Quốc và Ấn Độ với tư cách là cường quốc mới nổi, đế chế Nga phục hưng với tư cách là nước bá quyền khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc đang nổi lên nằm trong cuộc chơi của các cường quốc. Tất cả các nước trên đang cho thấy sẽ có một sự phân chia lại bản đồ địa chính trị trong khu vực. Tây Âu mặc dù phụ thuộc vào những mệnh lệnh của Mỹ thông qua NATO song có chiến lược phòng thủ riêng và ý thức được thách thức địa chính trị của lục địa Á-Âu.

Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) muốn khuyến khích các nước thành viên và các nước khu vực Á-Âu tăng cường hiệu quả hơn nữa chủ nghĩa đa phương để tránh EU bị chia cách khỏi khu vực này và bị cô lập bởi chính sách láng giềng và một Liên minh Địa Trung Hải hoàn toàn mới. Những lợi ích địa kinh tế và tài chính của EU trong khu vực này và những được mất từ quá trình toàn cầu hoá là rất lớn. Các cường quốc khu vực tại lục địa Á-Âu có thể gạt EU ra ngoài cuộc chơi. Ngày nay rất rõ là Mỹ và các cường quốc khác tại khu vực Đại Tây Dương có tham vọng hoàn thiện chiến lược phòng thủ nổi tiếng, gồm tăng cường kiểm soát các vùng biển và khu vực ven biển kéo dài từ Kênh đào Xuyê đến Thượng Hải và đặc biệt do sự nổi lên của các nước mới tầm cỡ trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Chính vì triển vọng này mà các chính quyền mới của các nước thuộc lục địa Á-Âu đang tăng cường sức mạnh hải quân dưới hình thức xây dựng các căn cứ quân sự để giúp họ bảo vệ mọi lợi ích kinh tế, mọi tuyến đường biển chiến lược và để mở rộng khu vực ảnh hưởng.

Chiến lược của Mỹ bao vây Trung Quốc

Từ nhiều thập kỷ nay và đặc biệt kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ giành quyền thống trị trên biển Nam Á. Để cải thiện vị trí bá quyền trong khu vực và làm nản chí mọi quốc gia mới nổi tại Trung Á, hệ thống an ninh hải quân Mỹ hiện nay dựa vào các khu vực an ninh trụ cột: thứ nhất, qua kênh đào Panama nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương; thứ hai, tuyến hàng hải nối các căn cứ hải quân Mỹ từ San Diego tới Haoai và Guam, rồi từ Guam tới Nhật Bản và Hàn Quốc; thứ ba, tuyến vòng cung kéo dài khu vực ven biển Đông Nam Á. Nhờ vào vòng cung kéo dài từ phía Bắc đảo Bornéo đến Xinhgapo này, Mỹ đảm bảo duy trì sự hiện diện địa chiến lược tại Đông Nam Á.

Hệ thống an ninh hải quân Mỹ gồm hai đầu cầu chiến lược là Đài Loan và Nhật Bản. Tháng 10/2008, Mỹ đã ký một thoả thuận bán tên lửa đánh chặn và trực thăng Apache trị giá 4,4 tỷ euro cho Đài Loan. Với vai trò là nước “canh gác” vòng cung an ninh hàng hải, Đài Loan đã đặt Trung Quốc vào vị trí phải phòng thủ. Đầu cầu thứ hai trong cách bố trí hệ thống phòng thủ của Mỹ là Nhật Bản, nước có căn cứ hải quân mạnh nhất của Mỹ là hạm đội 7 và một lực lượng quân đội Mỹ hùng hậu. Việc hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Hàn Quốc đã buộc giới chức quân sự và chiến lược Nhật Bản suy nghĩ lại về học thuyết quân sự của họ. Chính vì điều này mà Phó Đô đốc Hideaki Kaneda, người đứng đầu Lực lượng phòng vệ ven biển của Nhật Bản (JMSDF), khẳng định Trung Quốc đã chuyển đối chiến lược phòng thủ hải quân sang chiến lược cường quốc quân sự biển có tính hung hăng hơn. Điều này đã buộc Nhật Bản phải xem xét lại chiến lược hải quân quốc gia của mình. Quân đội Nhật Bản vừa trang bị các loại vũ khí tối tân, như các tàu khu trục mang trực thăng Hyuga để tăng cường khả năng tác chiến của hải quân Nhật Bản. Nhật Bản cũng sử dụng JMSDF để hỗ trợ các chiến dịch tại Ápganixtan và Irắc. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có được một lực lượng tấn công mới khi phát triển lực lượng bảo vệ bờ biển mà nước này cam kết trong chính sách ngoại giao hàng hải với các đối tác Đông Nam Á.

Hàn Quốc, đồng minh chiến lược được Mỹ sử dụng trong vòng cung hải quân, vừa xây dựng các căn cứ hải quân rất gần Trung Quốc và Nhật Bản. Hàn Quốc, nước dành ngân sách nhiều nhất cho quốc phòng tính theo GDP/người, vừa tái cơ cấu và hiện đại hoá quân đội với việc thành lập ba đại đội lưu động chiến lược sẽ tác chiến vào năm 2020 và được trang bị các đội tàu chiến sử dụng hệ thống rađa Aegis.

Thời gian tới, Nhật và Hàn Quốc sẽ có một số tự chủ về quân sự bên cạnh Mỹ, song sẽ tiếp tục là vị trí ưu tiên trong sơ đồi bố trí vòng cung hải quân lớn của Mỹ.

Chiến lược “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc

Trung Quốc chắc chắn tiếp tục là một mối đe doạ địa chính trị đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tăng trưởng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990. Để duy trì tốc độ tăng trưởng này, Trung Quốc sẽ phải tăng cường nhập khẩu dầu lửa thêm 150% từ nay đến năm 2020. Hiện có hơn 6000 tàu của Trung Quốc sử dụng Ấn Độ Dương để vận chuyển dầu. Từ nay đến năm 2025, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu từ Trung Đông và châu Phi. Các chính sách địa chiến lược hàng hải của Mỹ và Nhật Bản chỉ nhằm triệt hạ duy nhất tuyến đường hàng hải của Trung Quốc, từ biển Trung Quốc đến các nhánh dọc eo biển Malắcca. 80% các chuyến tàu vận chuyển dầu sử dụng tuyến đường biển huyết mạch trên. Để bảo đảm an toàn các tuyến đường biển vận chuyển năng lượng, Trung Quốc sẽ phải tránh Mỹ và Nhật Bản ở phía Dông. Nga tập trung sức mạnh hải quân ở phía Bắc. Ấn Độ kiểm soát mạn Nam Ấn Độ Dương. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ phải tăng cường khả năng độc lập và sức mạnh hải quân, đặc biệt tại Ấn Độ Dương. Chiến lược hải quân của Trung Quốc gồm hai mặt: thứ nhất, chống lại sự hiện diện của Mỹ tại eo biển Đài Loan; thứ hai, trong tương lai, Trung Quốc sẽ bành trướng hải quân ra Ấn Độ Dương để bao vây Ấn Độ.

Để thực hiện chiến lược hải quân mới này. Trung Quốc đã trang bị các tàu ngầm lớp Kilo. Phần thứ hai trong chương trình hiện đại hoá hải quân Trung Quốc và thiết lập vòng vây chiến lược xung quanh Ấn Độ là cái mà người ta gọi là “chuỗi ngọc trai các đảo”. Chuỗi ngọc trai này nối các căn cứ hải quân của Trung Quốc tại Tam Á ở phía Nam đảo Hải Nam đến tận Trung Đông. Chuỗi thứ hai kéo dài đến tận Xri Lanca và Manđivơ, nối vịnh Bengan với cảng Gwadar tại biển Arập và tạo thành tam giác chiến lược xung quanh Ấn Độ. Trung Quốc hiện nghi ngờ Mỹ và đồng minh bao vây Trung Quốc và khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính vì vậy, Trung Quốc cần phải bảo đảm an toàn các tuyến đường vận tải mà hiện nay đang nằm trong ưu tiên chiến lược quân sự của Trung Quốc. Các chuỗi ngọc của Trung Quốc, kéo dài từ Pakixtan đến Bornéo, sẽ trở thành các hành lang chiến lược tại vùng biển nối châu Phi và Trung Đông. Để đa dạng hoá các tuyến đường vận chuyển và tránh những chỗ thắt trong chuỗi các đảo, các nguồn năng lượng sẽ có thể được vận chuyển từ Sittwe và Gwadar bằng đường bộ và đường sắt dọc theo biên giới giữa Trung Quốc với Mianma và Pakixtan để vào các tỉnh Vân Nam và Tân Cương. Một khi vị trí địa chiến lược của Trung Quốc được củng cố tại Ấn Độ Dương, chuỗi ngọc tương lai sẽ có thể vươn tới tận đảo Xâysen để hướng chiến lược của Trung Quốc đến tận châu Phi. Không phải là ngẫu nhiên vào năm 2008 khi Trung Quốc thông báo ý định xây dựng một tàu sân bay nhằm đảm bảo an ninh các chuỗi đảo và tăng cường hiện diện chiến lược của hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.

Phá thế bao vây của Ấn Độ và kế hoạch Ấn-Mỹ

Như Trung Quốc, Ấn Độ cũng rất phụ thuộc vào các tuyến mậu dịch hàng hải. 77% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Trung Đông và châu Phi. Giám đốc Viện United Service Institution của Ấn Độ, Lữ đoàn trưởng Arun Sahgal coi chính sách địa chính trị của Trung Quốc là chiến lược bao vây. Phía Bắc Ấn Độ là nước láng giềng Trung Quốc; phía Tây là đối thủ khu vực Pakixtan đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc; phía Đông là Bănglađét thân Trung Quốc và chính quyền quân sự Mianma, trong khi phía Nam là chuỗi ngọc trai các đảo của Trung Quốc bao vây Ấn Độ như một con rắn biển địa chiến lược. Chỉ có một liên minh lớn các nhà nước ven biển đảo mới cho phép phá thế bao vây của Trung Quốc. Chiến lược Ấn-Mỹ nêu trên gồm liên kết các nước châu Á ven biển: Ấn Độ ở phía Tây Nam Trung Quốc; Hàn Quốc ở phía Đông Bắc; Nhật Bản và Đài Loan ở phía Đông; Philippin và Guam ở phía Đông Nam, sẽ buộc Trung Quốc phải lựa chọn thế địa chiến lược phòng thủ.

Về lâu dài, chiến lược này của Ấn Độ-Mỹ có thể sẽ đe doạ việc xây dựng một liên minh Á-Âu chiến lược về hàng hải và trên lục địa.

Ấn Độ đã đề phòng mối đe doạ Pakixtan và Trung Quốc tăng cường quan hệ nên đã bắt đầu thực hiện bước xâm nhập địa chiến lược tại Trung Á. Năm 2006, Ấn Độ đã mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này của lục địa Á-Âu bằng cách mở sân bay đầu tiên của Ấn Độ tại Tátgikaxtan. Điều này tạo cho Ấn Độ một cầu nối tiền tiêu trong khu vực.

Ấn Độ đang tăng cường tiềm lực hải quân chiến lược tại Karwar, phía Tây Nam nước này cũng như một căn cứ hàng không-hàng hải mới tại Uchipuli ở phía Đông Nam và một căn cứ quan sát tại Mađagaxca cho phép tập trung chỉ huy hải quân tại các đảo Andaman. Ấn Độ cũng đã xâm nhập vùng biển Đông khi thăm vịnh Cam Ranh của Việt Nam, nơi này mở ra cho Ấn Độ khả năng thực hiện một sự phối hợp địa chiến lược hải quân và không quân cho phép Ấn Độ phát động tấn công từ biển Arập, vịnh Bengan, dọc Ấn Độ Dương và phần Tây Thái Bình Dương.

Ý thức được những mối đe doạ bao vây và chống bao vây từ trong lục địa Á-Âu đến các vùng ven biển thuộc châu Âu và châu Á, Nga đã tái triển khai chiến lược quân sự dọc ven biển lục địa Á-Âu và châu Phi. Điều này giải thích việc Nga quyết định mở các căn cứ hải quân tại Xyri, Libi và Yêmen. Các quyết định trên đi kèm với một chương trình hiện đại hoá hải quân quy mô, thông qua các dự án chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ mới và việc tăng cường khả năng công nghệ và hậu cần.

Thách thức địa chính trị tại vùng ven biển của lục địa Á-Âu

Từ nay, hiển nhiên các chiến lược bao vây và chống bao vây của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga đều tập trung vào khu vực ven biển của lục địa Á-Âu, với tư cách là khu vực địa chính trị trụ cột để kiểm soát các nước trong đất liền, vùng nội địa chiến lược của lục địa Á-Âu. Trong tổng thể địa chiến lược trên, vòng vây ven biển Á-Âu được thực hiện thông qua hai trục địa chiến lược gồm kênh đào Xuyê và Thượng Hải, bởi hai trục này chia rẽ các chính quyền mới nổi tại lục địa Á-Âu: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở phía Đông, Ấn Độ ở phía Nam, Nga ở phía Bắc, trong khi châu Âu ở vùng Viễn Tây và Mỹ hiện diện trong khu vực thông qua các căn cứ hải quân. Trung tâm nguy hiểm chiến lược toàn cầu chuyển dần sang châu Á. Trước bối cảnh thế giới đa cực đang sắp xếp lại trong thế kỷ 21, khu vực Xuyê – Thượng Hải sẽ đóng vai trò địa chính trị quan trọng giữa các chính quyền trong nội địa hay ven biển của lục địa Á-Âu:

Cuộc chơi Trung-Mỹ và chiến lược liên kết tại biển Đông

Là điểm giao thoa giữa biển Đông, Đông Nam Á và Đông Á, biển Philippin mởi ra các cơ hội rõ ràng cho quân đội Mỹ để bảo đảm kiểm soát hoàn toàn khu vực chiến lược trên. Nhưng Trung Quốc là cường quốc khu vực không thể tranh cãi. Trung Quốc là mối đe doạ do can dự vào mọi cuộc xung đột, gia tăng yêu sách lãnh thổ và không muốn giải quyết đa phương. Thực tế, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng khu vực đặc quyền kinh tế, đặc biệt tại các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa), Đông Sa và Trung Sa. Tổng thể, từ những năm 1990, Trung Quốc đã mở rộng lợi ích tại vùng biển này. Nhưng điều này không thể so với lợi ích mà Trung Quốc đặt vào Đài Loan. Trung Quốc luôn nhạy cảm về vấn đề Đài Loan, được coi là tỉnh thứ 22 của Trung Quốc. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ một nước Trung Quốc tin rằng viện trợ của Mỹ sẽ giúp Đài Loan chống lại các yêu sách của Trung Quốc và điều này làm Trung Quốc ngờ vực Mỹ. Một điều chắc chắn là hoà bình và an ninh của khu vực này sẽ phụ thuộc vào thái độ của Trung Quốc. Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào các tuyến đường vận chuyển dầu khí và giao thương hàng hải.

Thách thức chiến lược của biển Philippin

Về mặt quân sự, vị trí ưu thế tại châu Á trong 50 năm qua đã cho phép Mỹ bố trí lực lượng ăn khớp tại biển Philippin. Tại châu Á, Mỹ vẫn đóng vai trò là nước mạnh nhất về chính trị, kinh tế và quân sự. Sự hiện diện quan trọng nhất của Mỹ hiện nay vẫn là nhằm đe doạ Bắc Triều Tiên tại bán đảo Triều Tiên và trông chừng Trung Quốc. Tại Đông Nam Á, Mỹ không còn hiện diện thường trực, nhất là từ khi phải di dời hai căn cứ quân sự khỏi Philippin tháng 11/1992. Tuy nhiên, trong toàn khu vực, trừ Trung Quốc, nhìn chung các nước vẫn công nhận Mỹ là nhân tố quan trọng nhất có khả năng đảm bảo cân bằng chiến lược. Mỹ cũng đang tham gia rộng rãi vào việc duy trì hoà bình tại khu vực này. Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương có trụ sở đặt tại Haoai phụ trách toàn bộ các lực lượng Mỹ đóng tại vùng biển phía Tây nước Mỹ và biển Philippin. Việc kiểm soát biển Philippin cho phép quân đội Mỹ đảm bảo hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng của họ bố trí rải rác tại khu vực châu Á và đảm bảo cho các tàu chiến của họ hoạt động tự do khi được triển khai tại biển Philippin. Đối với Mỹ, việc một lần nữa được thiết lập căn cứ tại Philippin sẽ mang lại lợi ích gấp hai. Lợi ích đầu tiên là điểm trung chuyển giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nơi mà hiện nay Mỹ chỉ có khoảng 1 nghìn quân tại Xinhgapo có nhiệm vụ tiếp liệu, bảo trì tàu chiến và máy bay. Xinhgapo chỉ là một hòn đảo nhỏ có khả năng hạn chế và ở lối vào eo biển Malắcca. Mỹ đang dòm ngó khu liên hợp sân bay-bến cảng tại Général Santos mà tại đây có thể quan sát một vịnh, trong đó có đảo Mandanao. Général Santos ở cách xa Vịnh Subic ở biển Đông, vùng biển đang bị các nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippin tranh cãi và Mỹ không muốn tham gia. Lợi ích thứ hai là bố trí tại Đông Á một điểm hỗ trợ vững chắc từ bên ngoài cho Nhật Bản và Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột tại Viễn Đông. Khu liên hợp Subic và Clark có thể đảm bảo nhiệm vụ này. Philippin một lần nữa có thể đáp ứng Mỹ nếu cứ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận như hiện nay. Điều này có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm để có được cam kết dài hạn. Không loại trừ khả năng này nếu người Mỹ tiếp tục gây sức ép lên Philippin để bình thường hoá quan hệ quân sự, bị ngắt quãng từ năm 1991. Biển Philippin có vị trí quan trọng chiến lược về mặt quân sự đối với các cường quốc khu vực, như châu Mỹ đối với nước Mỹ.

Trung Quốc đang tìm cách sử dụng sức mạnh hải quân gia tăng để kiểm soát không chỉ các nguồn tài nguyên dầu khí ngoài khơi mà còn kiểm soát các tuyến đường biển, trong đó họ có nhu cầu nhất trên thế giới. Để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoàng Hải và Biển Đông, Mỹ có tham vọng tái triển khia một vòng vây hải quân xung quanh Trung Quốc bằng cách thực hiện các cuộc diễn tập hải quân với Hàn Quốc ngoài khơi sườn phía Đông bán đảo Triều Tiên. Quan hệ quân sự giữa Mỹ và đơn vị tinh nhuệ của lực lượng vũ trang Inđonêxia nằm trong bối cảnh chiến lược hải quân mới của Mỹ. Những cuộc diễn tập quân sự chiến lược luôn là một lời cảnh báo đối với Bắc Triều Tiên liên quan đến cam kết của Mỹ đối với Hàn Quốc, sau vụ đắm tàu chiến Cheonan. Nhưng Mỹ cũng luôn xác nhận rằng những cam kết của quân đội Mỹ tại Irắc và Ápganixtan không cản trở Mỹ bảo vệ các lợi ích quốc gia sống còn của mình tại châu Á. Khu vực thứ hai nằm trong chiến lược bao vây Trung Quốc của Mỹ là Hoàng Hải, nằm trong vùng lãnh hải quốc tế rất gần Trung Quốc. Điều này một lần nữa chứng minh cam kết của Mỹ cho tự do hàng hải tại các vùng biển châu Á. Tiếp theo đó là chuyến thắm Việt Nam của một tàu sân bay Mỹ, lần đầu tiên cách đây 35 năm. Bắc Triều Tiên phản đối dữ dội các cuộc tập diễn tập chiến lược trên của Mỹ và đe doạ sử dụng vũ lực.

Trung Quốc không chỉ coi hành động can thiệp của Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton vào chủ đề các quần đảo Trường Sa là một “cuộc tấn công”, đồng thời cũng tổ chức các cuộc tập trận bất ngờ tại Hoàng Hải ngay trước các cuộc tập trận phối hợp Mỹ-Hàn.

Địa chính trị Biển Đông

Biển Đông là một trong những khu vực địa chính trị sôi động nhất thế giới. Nơi đây đồng thời diễn ra các hoạt động khẳng định tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc và vai trò mang tính bảo vệ khu vực ảnh hưởng của Mỹ. Trung Quốc đang xem xét lại sự ổn định trong khu vực, còn Mỹ báo trước hình thức “ngăn chặn mềm” mới. Kể từ bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Obama đọc tại Tôkyô tháng 11/2009, chính sách của Chính quyền Mỹ mới nhằm xác định Mỹ như một “quốc gia của Thái Bình Dương”. Tuyên bố trên được đưa ra nhằm mục đích “đổi mới vị thế thủ lĩnh của Mỹ trên thế giới” để gửi tới không chỉ các đồng minh lịch sử trong khu vực, mà còn tới các nước ASEAN. ASEAN là một diễn đàn chiến lược quan trọng hàng đầu để duy trì ổn định, hoà bình và phát triển kinh tế Viễn Đông. Trước khả năng biến động trên phạm vi châu Á, chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc về chính sách đối ngoại đang gây ảnh hưởng sâu rộng đến những sự được mất địa chính trị của các nước chủ chốt trong khu vực tại Biển Đông, trong đó có nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Đài Loan, Philippin, Malaixia, Inđônêxia, Brunây, Xinhgapo và Việt Nam đang tranh cãi.

Biển Đông từ nay thuộc các “lợi ích sống còn” của Trung Quốc, ngang hàng với Tây Tạng và Đài Loan mặc dù chưa có một tuyên bố chính thức về quan điểm này. Một phần các nước Đông Nam Á dựa vào sự hiện diện của Mỹ để đối trọng lại với chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Đối với chính sách đối ngoại Trung Quốc, sẽ không có gì bất lợi hơn một sự liên kết của các nước ủng hộ tuyên bố của Mỹ bởi Trung Quốc không có lợi ích khi quốc tế hoá các tranh chấp liên quan lãnh hải. Vì vậy, mối liên kết giữa Biển Đông và Thái Bình Dương nằm trong lợi ích an ninh của Trung Quốc. 50% lượng hàng hoá thế giới vận chuyển qua Thái Bình Dương và các eo biển, điều này biến diện tích biển thành điểm hấp dẫn và xung đột tiềm tàng do những sự được mất địa chính trị của các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, nằm trong số những nước sản xuất hàng hoá lớn và phụ thuộc vào xuất khẩu. Một yếu tố quan trọng để Trung Quốc tranh giành các khu vực có ảnh hưởng địa chính trị quan trọng trên là phát triển khả năng hải quân, các tàu ngầm và tàu chiến.

Tầm quan trọng của các tuyến đường biển Á-Âu

Tầm quan trọng đặc biệt của các tuyến đường biển Á-Âu đối với nền kinh tế châu Âu là rất lớn, đặc biệt là sự gia tăng công nghiệp hoá và phát triển thương mại của Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Trong số 15 đối tác lớn nhất của EU, thì 7 trong số đó (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Xinhgapo và Arập Xêút) nằm dọc biển Á-Âu. Kim ngạch nhập khẩu của EU thông qua các nước trên đã tăng từ 268,3 tỷ euro năm 2003 lên 437,1 tỷ euro năm 2007. Ngoài ra, 90% mậu dịch hàng hải của EU được thực hiện thông qua các tuyến đường biển, trong khi mậu dịch hàng hải của EU với châu Á chiếm 26,25% tổng số mậu dịch hàng hải liên lục địa của EU./.

Sorry, the comment form is closed at this time.